Thiết kế cho tai nghe Beebop khá đơn giản đối với các sản phẩm POD. Tuy nhiên, có vài điều bạn cần lưu ý để đảm bảo bản in cuối cùng đạt tiêu chuẩn.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA MẪU IN
Khi sử dụng bản mẫu để thiết kế hình ảnh, xin hãy lưu ý vùng An Toàn (the Safe Zone) màu lục. Tất cả những chi tiết quan trọng của thiết kế phải được đặt trong vùng An Toàn để bảo đảm rằng khi in ấn, những chi tiết này sẽ được in trên thành phẩm. Bất kỳ chi tiết nào bên ngoài vùng An Toàn có nguy cơ bị cắt xén, gọt bỏ.
Vùng rìa màu đỏ là phần cạnh ngoài của sản phẩm. Vùng này có thể sẽ không xuất hiện trên thành phẩm. Nhưng nếu trong thiết kế, không có bất kỳ chi tiết đồ hoạ/màu sắc/hoa văn nào ở vùng rìa thì khi in thành phẩm, phần màu trắng có thể sẽ xuất hiện ở vùng tai nghe. Vùng rìa có sẵn ở mẫu in như là một phương thức phòng ngừa trong trường hợp có lỗi xảy ra trong quá trình in ấn và cắt xén.
Bản mẫu tai nghe Beebop
Bản mẫu tai nghe Beebop mô phỏng
MẸO THIẾT KẾ
1) Đăng tải tập tin có độ phân giải cao: teelaunch khuyến nghị bạn nên đăng tải thiết kế có độ phân giải 300dpi. Đây là độ phân giải tiêu chuẩn cho sản phẩm in ấn trong khi các ứng dụng web chỉ cần độ phân giải là 72dpi. Khác với các sản phẩm khác, tai nghe Beebop có ít chi tiết để giấu đi phần khuyết điểm trong thiết kế. Nếu bạn đăng tải thiết kế có độ phân giải thấp hơn 300dpi, hiện tượng pixelation (bạn sẽ nhìn thấy hình vuông pixel trên thành phẩm) có thể xuất hiện làm giảm chất lượng tổng thể của sản phẩm. Bạn có thể không nhận ra chất lượng thấp trên hình ảnh mô phỏng nên hãy chọn thiết kế tốt nhất trước khi đăng tải. Trong trường hợp bạn chỉ có hình ảnh độ phân giải thấp, một mẹo nhỏ là hãy áp dụng texture hoặc graphic overlays để che đi khuyết điểm. Xin hãy đọc bài viết trên blog về độ phân giải hình ảnh tại ĐÂY.
2) Cỡ chữ: teelaunch thường được hỏi kích cỡ font chữ nhỏ nhất có thể chấp nhận cho các thiết kế là bao nhiêu. Đây là một câu hỏi khó trả lời vì có nhiều kiểu chữ khác nhau với độ đậm nhạt, phong cách và kích thước khác nhau. Quy tắc chung để lựa chọn kiểu chữ và cỡ chữ là nếu khó đọc ở bản mẫu ở chế độ xem 100%, thì cũng sẽ khó đọc trên sản phẩm cuối cùng. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng font chữ cỡ nhỏ hơn, teelaunch khuyên bạn nên chọn font chữ dễ đọc cũng như khoảng cách giữa các chữ cái vừa đủ để dễ dàng phân biệt từng chữ cái. Hầu hết, các font serif (font có chân) thường phát huy hiệu quả nhất trong những tình huống này do phần thiết kế độc đáo ở phía trên/phía dưới thân mỗi chữ cái giúp dễ nhận dạng nét chữ.
3) Hiệu ứng đổ bóng (Drop-Shadows): Hiệu ứng đổ bóng giúp tăng chiều sâu và kích thước cho thiết kế, nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp khi thực hiện quy trình chuyển nhiệt. Sử dụng nhiều hiệu ứng đổ bóng sẽ ảnh hưởng đến các chi tiết trong mẫu thiết kế, khiến cho thành phẩm nhìn không đẹp mắt khi so sánh với mẫu thiết kế. Cách khắc phục cho vấn đề này là sử dụng kỹ thuật halftone. Halftone là những chấm màu đơn nhiều kích cỡ tạo ra ảo giác màu gradient trong khi vẫn áp dụng màu đơn (solid color) thay vì chuyển từ sắc thái đậm sang nhạt khi sử dụng hiệu ứng đổ bóng.
4) Yếu tố giảm độ mờ (Low Opacity) và chế độ pha trộn (Blending Modes): Sử dụng nhiều mức độ mờ khác nhau và độ pha trộn giúp thiết kế trở nên sống động hơn và thực tế hơn trong một số trường hợp. Quy trình chuyển nhiệt sẽ phối hợp những hiệu ứng này với mức độ nhiều hơn so với mong muốn của bạn. teelaunch khuyến nghị bạn tăng độ mờ và điều chỉnh những chi tiết pha trộn sáng hơn so với những gì bạn muốn trên màn hình máy tính. Chẳng hạn, nếu bạn thích thiết kế của bạn có độ mờ 15%, teelaunch đề xuất bạn tăng độ mờ lên 25%-35% để tránh bị mất màu trên bản in cuối cùng.
5) Chừa không gian cho thiết kế của bạn: Một sai lầm phổ biến mà hầu hết các nhà thiết kế nghiệp dư mắc phải là khi họ cố gắng sử dụng càng nhiều càng tốt không gian trong thiết kế. Điều này không phải lúc nào cũng tệ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, nó có thể cho thấy sự khác biệt giữa thiết kế của một tay mơ hay một chuyên gia thứ thiệt. Hãy để các chi tiết quan trọng trong thiết kế của bạn cách mép một khoảng đủ. Điều này giúp thiết kế của bạn tỏa sáng và nổi bật hơn là việc bị nhồi nhét trong phần “đất” in ấn. Đừng sợ không gian trống. Không gian trống có thể là điểm nhấn giúp thiết kế của bạn nhìn gọn gàng và sắc nét hơn.
6) Hệ màu RGB và hệ màu CMYK: Có thể nói hiểu về các hệ màu là điều tối quan trọng khi in ấn sản phẩm POD. RGB (Red, Green and Blue - Đỏ, Lục và Lam) là hệ màu cho các ứng dụng trên website. CMYK (Cyan, Magenta, Yellow and Black – Xanh Lơ, Hồng Cánh Sen, Vàng và Đen) là hệ màu cho các sản phẩm in ấn.
teelaunch yêu cầu người dùng đăng tải mẫu thiết kế ở hệ màu RGB vì người dùng sẽ đăng tải những hình ảnh này lên website. teelaunch khuyến nghị bạn kiểm tra tập tin ở hệ màu CMYK trước khi đăng tải vì hình ảnh thiết kế được đăng tải ở hệ màu RGB sẽ được chuyển sang hệ màu CMYK tại đơn vị in ấn. Nếu bạn đăng tải thiết kế với hệ màu CMYK lên ứng dụng thì sẽ ảnh hưởng đến màu trong thiết kế được thể hiện trên hình ảnh mô phỏng. Đăng tải thiết kế bằng hệ màu RGB, nhưng kiểm tra tập tin với hệ màu CMYK trước và điều chỉnh khi cần thiết.
Một số màu được tạo riêng bởi màn hình của bạn sử dụng hệ màu RGB. teelaunch gọi đây là màu backlit (backlit color) vì chúng sử dụng ánh sáng từ màn hình máy tính của bạn để tạo thêm hiệu ứng sống động mà hiệu ứng này không thể tái tạo trong quá trình in ấn. Đây là lý do teelaunch luôn khuyên bạn nên kiểm tra các tập tin với hệ màu CMYK trước khi đăng tải vì có thể có sự thay đổi màu sắc đáng kể khiến hình ảnh mô phỏng và thành phẩm hoàn toàn khác nhau. Xin vui lòng xem ví dụ bên dưới:
Hệ màu RGB – màu backlit
Hệ màu CMYK – Màu xanh được tái tạo lại khi in ấn